Các hoạt động ngày Tết cổ truyền Việt Nam, Tết Nhâm Dần 2022

Các hoạt động ngày Tết - người dân nô nức đi mua sắm đồ Tết
Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn của nước ta nên có rất nhiều hoạt động truyền thống có ý nghĩa lớn. Những hoạt động này mang đến sự may mắn, cầu phúc, an khang và thịnh vượng. Tuy nhiên không phải ai cũng biết đến các hoạt động ngày Tết này. Bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu để các bạn hiểu rõ hơn về những hoạt động này nhé!
Sắm tết
Những phiên chợ Tết họp vào những ngày từ 25 tháng Chạp cho đến 30 tháng Chạp luôn đông đúc người sắm Tết. Bên cạnh những sạp hàng vẫn quen thuộc thì các mặt hàng để phục vụ cho Tết Nguyên Đán cũng được bày bán bổ sung như: Lá dong để gói bánh chưng, gạo nếp để gói bánh chưng hoặc nấu xôi, các loại trái cây dùng thờ cúng (ngũ quả) để cúng tổ tiên, mứt tết, bánh kẹo, phong bao lì xì, thời trang tết, hoa tươi, đồ trang trí ngày tết,… đủ mọi sắc màu.

Những người buôn bán đều sẽ nghỉ bán trong những ngày Tết vì đầu năm mới không có họp chợ. Vậy nên các gia đình phải mua để dùng đủ cho đến khi họp chợ trở lại. Không khí những ngày trước tết vì vậy mà lại thêm tấp nập, náo nhiệt hơn cả những ngày thường.
Cúng ông Công ông Táo về trời

Đây là một lễ cúng rất quan trọng trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc ta. Lễ cúng ông Táo sẽ diễn ra vào đúng ngày 23 tháng chạp hàng năm. Theo phong tục truyền thống, mọi người sẽ phải dọn dẹp sạch sẽ cho gian bếp và làm mâm cơm cúng ông Táo. Cá chép là lễ vật bắt buộc phải có bởi ông Táo sẽ cưỡi cá chép để bay về thiên đình báo cáo những điều tốt, điều xấu của gia đình cho ông Trời xem xét thưởng hay phạt cho công bằng.
Ngày này các gia đình làm lễ thường cúng cả ở dưới bếp và trên ban thờ chính. Với đầy đủ các món đồ lễ, mâm cơm thịnh soạn, tùy vào từng vùng sẽ có các món nấu khác nhau.
Tất niên
Ngày Tất niên sẽ vào ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Đây là ngày mà các thành viên trong gia đình sum họp lại với nhau nên các hoạt động chủ yếu được diễn ra trong quy mô của gia đình.

Thông thường, mọi người sẽ cùng nhau sắp xếp dọn nhà và trang trí, nấu nướng, dọn dẹp sạch sẽ bàn thờ tổ tiên sạch sẽ để chuẩn bị cho mâm cơm tất niên. Đồng thời, buổi chiều gia chủ sẽ ra mộ tổ tiên để mời các vị về ăn Tết cùng gia đình. Buổi tối cùng ngày, người ta sẽ làm cỗ cúng tất niên để tiễn năm cũ đi, chuẩn bị đón giao thừa chào một năm mới an khang thịnh vượng.
Giao thừa
Giao thừa chính là thời khắc linh thiêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong thời khắc này, các thành viên trong gia đình thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Con cháu trong nhà sẽ chúc Tết ông bà và cha mẹ bằng những món quà đầy ý nghĩa, những bao lì xì cầu tài lộc may mắn.

Dịp này, người ta thường hay bắn pháo hoa ở những địa điểm lớn. Ở các thành phố lớn còn tập trung đông người để xem bắn pháo hoa theo các địa điểm được nhà nước quy định. Các gia đình sẽ cúng giao thừa gồm hai hình thức cúng là cúng ở trong nhà và cúng ở ngoài trời.
Xông đất
Đây cũng là hoạt động ngày Tết có ý nghĩa quan trọng trong năm mới. Lễ xông đất thường thấy nhất là khi các thành viên trong gia đình sau khi đi chùa về. Thông thường người được chọn để xông đất phải là những người hợp tuổi với chủ nhà, hợp nhau trong công việc làm ăn. Vì theo tín ngưỡng của người Việt thì người đầu tiên bước vào nhà mình ngay đầu năm sẽ đem đến điềm lành và sự may mắn cho gia đình trong suốt cả năm.

Theo tục lệ, người được chọn để xông nhà phải ăn mặc thật chỉnh tề, chỉn chu, tươi vui và không được uống rượu bia. Khi đến trước cổng nhà của gia chủ, họ phải bước vào cửa chính rồi đi loanh quanh trong nhà và nói những câu tốt lành với ngụ ý đem lại may mắn cho gia đình đó. Đồng thời gia chủ sẽ lì xì mừng tuổi cho người xông đất để đáp lễ.
Xuất hành và hái lộc
Xuất hành là lần đầu tiên đi ra khỏi nhà trong năm. Thường là trong ngày mùng một tết, vì là ngày tốt đầu tiên của năm mới. Mục đích của việc xuất hành trong ngày tốt là để đi tìm sự may mắn cho bản thân và gia đình mình. Trước khi xuất hành ra khỏi nhà, người ta phải chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý nhân, tài thần và hỷ thần.

Tại miền Bắc, khi xuất hành đến chùa hay đền, sau khi lễ bái xong người Việt còn có tục bẻ lấy một cành lộc để mang về nhà lấy may. Đó chính là tục hái lộc đầu năm. Cành lộc là một cành đa, cành đề hoặc cành si nhỏ,… là những loại cây quanh năm tươi tốt, nảy lộc và rất tốt trong phong thủy. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa còn ngụ ý xin hưởng chút lộc của các vị Thần, Phật ban cho trong năm mới. Cành lộc thường được đem về cắm ở bàn thờ. Khác với miền Bắc, miền Trung lại không có tục hái lộc đầu năm nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa ở miền Trung vẫn luôn giữ nguyên được lá xanh biếc suốt cả mùa xuân.
Chúc Tết
Sáng mồng Một Tết được gọi là ngày Chính Đán, con cháu sẽ tụ họp ở nhà cha mẹ, huynh trưởng để tiến hành lễ Tổ Tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo phong tục cứ năm mới tới, mỗi người sẽ tăng thêm một tuổi. Bởi vậy ngày mồng một Tết là ngày mà con cháu “chúc thọ” cho ông bà và các bậc cao niên.

Trước kia, người ta thường hay chúc tết, chúc thọ bằng những câu đối ngày xuân được viết bằng chữ thư pháp. Hiện nay, việc con cháu đến chúc tết hay chúc thọ thường gắn liền với những món quà đầu năm thể hiện ý nghĩa chúc ông bà, cha mẹ trường thọ, may mắn. Thường thì những món quà đó là những giỏ quà Tết đã được gói sẵn gồm bánh kẹo, rượu bia. Đồng thời những người con trưởng thành sẽ lì xì các bậc cao niên như một lời chúc thọ.
Lì xì đầu năm
Đây chính là phong tục mà bất kỳ một đứa trẻ nào cũng hào hứng và thích thú. Tiền lì xì đầu năm dù ít hay nhiều cũng không quan trọng, mà nó thay cho lời chúc Tết dành cho các bé. Thậm chí cả người lớn cũng vẫn nhận được những bao lì xì đỏ ấy.

Phong bao lì xì còn được gọi là tiền mừng tuổi dành cho con cháu thay cho lời chúc mau ăn chóng lớn, học hành giỏi giang và vâng lời cha mẹ. Bên cạnh đó, những người đã trưởng thành cũng sẽ dành những phong bao tài lộc, may mắn lì xì cho ông bà, cha mẹ như một cách để báo hiếu và mừng tuổi cho người lớn trong những ngày đầu năm.
Hóa vàng
Ngày mùng 4 tháng Giêng theo lịch cổ còn là ngày con nước. Trong ngày này, các gia đình thường làm lễ cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu. Đồng thời, đốt nhiều vàng mã để các vị tổ tiên về cõi âm có thêm đồng vốn đầu năm, phù hộ độ trì cho con cháu hậu thế làm ăn được phát đạt.

Tuy nhiên, vì để chung tay bảo vệ môi trường nên rất nhiều địa phương và gia đình đã hạn chế đốt nhiều vàng mã. Thay vào đó, người ta sẽ bố thí, xung vào các quỹ từ thiện ở chùa để làm việc thiện, tích đức, thêm vào lời cầu nguyện ước cho công việc đầu năm được suôn sẻ, may mắn và phát triển.
Khai hạ
Trong năm mới các gia đình đã dựng cây nêu được trang trí đầy đủ các đồ vật ở trước cổng nhà. Cây nêu giúp mang đến sự may mắn, tiễn những điều xui xẻo đi, xua đuổi ma quỷ,.. để gia đình được bình an, hạnh phúc. Ngày mùng 7 tháng Giêng chính là ngày cuối cùng của chuỗi lễ hội Tết cổ truyền. Trong ngày này, các gia đình thường làm lễ hạ cây nêu để kết thúc dịp Tết Nguyên Đán và bắt đầu bước vào chuỗi ngày làm ăn trong năm mới. Sau khi kết thúc lễ khai hạ các gia đình sẽ bắt tay vào làm việc bình thường từ ngày mùng 8 hoặc mùng 9 luôn.
Bên trên là những thông tin chúng tôi chia sẻ cho các bạn về các hoạt động ngày Tết hay và ý nghĩa. Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn có thêm những kiến thức mới. Nếu có bất cứ thắc mắc gì về nội dung các bạn hãy comment ở bên dưới bài viết nhé!
Nguồn: giamayruaxe.net